Giới Thiệu

1. Vị trí Địa lý của xã

Xã Đồng Sơn nằm ở phía Bắc thành phố Hạ Long cách trung tâm thành phố  khoảng 52km, xã có 809 họ, 3.086 nhân khẩu, 99% là dân tộc Dao Thanh phán; có 4 thôn là Tân Ốc 1, Tân Ốc 2, Phủ Liễn, Khe  Càn.

          - Phía Đông giáp xã Kỳ Thượng;

          - Phía Tây giáp xã Dương Hưu (Sơn Động- Bắc Giang);

          - Phía Nam giáp xã Đồng Lâm;

          - Phía Bắc giáp xã Minh Cầm, Lương Mông huyện Ba Chẽ- Quảng Ninh.

2 Lịch sử của xã

Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, địa bàn xã Đồng Sơn hiện nay bao gồm xã Tân Ốc (năm 1948 đổi tên thành xã Dân Chủ) và một phần thuộc địa phận Đồng Quặng (Đồng Quặng lúc đó thuộc xã Tân Dân).

Đến năm 1950, trước càn quét, đàn áp của thực dân Pháp và bọn phản động tay sai, thực hiện chủ trương của cấp trên toàn bộ số người Tày xã Dân Chủ đã tiến hành tản cư di dân sang xã Dương Hưu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang sinh sống. Năm 1955, sau khi hòa bình lập lại, số người Tày trở về Đồng Mưa (thuộc xã Quảng La) sinh sống và lập nên xã Dân Chủ ngày nay.

Ngày 15/8/1983 Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 77/HĐBT tách xã Đồng Quặng thành hai xã Đồng Lâm và Đồng Sơn.

3 Điều kiện tự nhiên của xã

Địa hình Đồng Sơn tương đối đa dạng phân dị thuộc loại địa hình đồi núi, đại bộ phận nằm trong hệ thống cánh cung bình phong Đông Triều - Móng Cái. Đồi núi chiếm phần lớn diện tích của xã có độ cao trung bình từ 150 - 250m sắp xếp theo dạng bát úp và cấu tạo bởi đá lục nguyên, có độ dốc từ 12 - 350. Địa hình đồi núi có mật độ chia cắt trung bình từ 1,5 - 2km, quá trình phong hóa xói mòn diễn ra mạnh. Đây là vùng có khả năng quy hoạch trồng rừng lẫy gỗ thuận lợi.

Đồng Sơn là xã miền núi nên chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu Đông Bắc tạo ra những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp, là khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, có 4 mùa rõ rệt.

Đất đai của xã phân thành 2 vùng, vùng đất bằng và vùng đất đồi núi, Tổng diện tích đât tự nhiên của xã là: 12.700,46 ha. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, nhất là tài nguyên rừng. Xã Đồng Sơn có trữ lượng gỗ lớn, đây là nguồn tài nguyên cung cấp cho các chế biến lâm sản. Số liệu thống kê tính đến ngày 30/6/2021 diện tích rừng của xã là  11.860,22 ha.

4 Điều kiện kinh tế xã hội của xã

Tổng số hộ năm là: 809 hộ; nhân khẩu: 3.086 người. Trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc dao chiếm 99%. Kinh tế của xã Đồng Sơn gắn bó mật thiết, hữu cơ với hoạt động trồng rừng (keo, quế, trám…). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng/năm, chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp.

Ở Xã Đồng Sơn, có “Lễ Cấp sắc” người Dao Thanh Phán, tên  gọi khác là “Lễ Bàn Cổ”. Một thanh niên người Dao được tổ chức Lễ Cấp sắc là dịp cộng đồng nghe lại lịch sử hình thành dân tộc mình, tạo nên sự tự tôn dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó răn dạy mỗi người có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp. Đó là sự hướng tới việc thiện, không làm điều ác, biết tôn trọng thầy, biết ơn cha mẹ, trung thực và giàu lòng vị tha... Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và cộng đồng dòng tộc. Trong Lễ Cấp sắc còn có nhiều bài hát, điệu múa, tiết múa độc đáo; trang phục, đạo cụ phong phú, đa dạng. Lễ Cấp sắc của người Dao Thanh Phán được coi như một kho tàng văn hóa cổ truyền có gía trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc và tính giáo dục cao.

Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hạ Long lần thứ XXV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI về kinh tế, văn hoá, xã hội của địa địa phương có những thay đổi mạnh mẽ. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Số hộ khá và giàu tăng, số hộ nghèo, cận nghèo giảm.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2