Lễ cấp sắc (Bàn Vương) của người Dao thanh phán xã Đồng Sơn

Đồng Sơn là một xã miền núi thuộc thành phố Hạ Long cách trung tâm thành phố khoảng 50km với diện tích tự nhiên lên đến 12.700,76 ha, tiếp giáp với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh (trong tỉnh có: Xã Lương Mông, xã Minh Cầm thuộc huyện Ba Chẽ, các xã Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Tân Dân thuộc thành phố Hạ Long; ngoài tỉnh có xã Dương Hưu, xã Long Sơn thuộc huyện Sơn Động - Bắc Giang). Tổng số hộ 812/3.118 nhân khẩu, thành phần dân tộc chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao (chiếm 99% dân số), thu nhập của nhân dân tập chung chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp là chính và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ đời sống của nhân dân cũng còn gặp nhiều khó khăn Những tiềm năng lợi thế sẵn có của xã là tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đai, lao động, cơ sở hạ tầng được đầu tư đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất lương thực và sản phẩm hàng hoá đã có bước phát triển, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của nhân dân đã từng bước được nâng lên.

đi du lịch ở miền Bắc nhất là đến Hạ Long nói chung và xã (Đồng Sơn) nói riêng, ngoài việc tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bạn còn có thể tìm hiểu nhiều nét văn hóa của các dân tộc anh em. Nếu may mắn bạn còn có cơ hội khám phá Lễ hội cấp sắc của người Dao Thanh Phán. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất mà mọi người con trai Dao Thanh Phán nào cũng phải được đón nhận trong đời.

Được xem là một di sản văn hóa phi vật thể, đã được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch “đặc cách” đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội cấp sắc của người Dao Thanh Phán có những nét độc đáo và ý nghĩa nhất định trong văn hóa địa phương. Nhiều du khách đã từng biết về lễ hội này đều cho rằng, việc khám phá lễ hội này là một trong những kinh nghiệm du lịch Quảng Ninh Hạ Long cực kỳ thú vị.

Lễ hội cấp sắc của người Dao Thanh Phán

Theo phong tục của người Dao nói chung và người Dao Thanh  Phán nói riêng thì tất cả những người con trai Dao phải đón nhận lễ cấp sắc, để được thật sự trở thành một con người trưởng thành hoàn toàn về thể chất lẫn tâm linh. Lễ hội được long trọng tổ chức trong 3 ngày 3 đêm với lễ vật là lợn, gà, cơm, rượu cùng nhiều vật phẩm tế lễ khác. Người được làm lễ cấp sắc phải chấp hành một số quy tắc riêng trước khi được cấp sắc. Mở đầu giây phút thiêng liêng đó là lễ dâng hương với ý nghĩa báo cho ông bà, tổ tiên, thần linh biết gia đình có người được cấp sắc. Lễ dâng hương diễn ra trong tiếng kèn trống vang lên rộn rã. Mọi người cùng nhau nhảy múa theo tiếng nhạc chung vui cùng người được cấp sắc. Sau lễ dâng hương là lễ khai đàn đón ông bà, tổ tiên cùng thần linh về ngự giám.

Kế đến là lễ dâng đèn có ý nghĩa dẫn dắt cho người được cấp sắc vào con đường học hành nâng cao hiểu biết. Lễ cấp sắc thường kết thúc vào nữa đêm. Mọi nghi lễ sau đó chủ yếu dành riêng cho người được cấp sắc. Lễ Thượng quan với ý nghĩa cám ơn và cầu nguyện trời đất phù hộ cho gia chủ và người được cấp sắc mọi điều tốt lành. Ngoài ra lễ còn có ý nghĩa đón ánh sáng thuần khiết từ  đấng quyền uy tối cao nên thường được tổ chức ngoài trời vào lúc rạng sáng. Nghi lễ tiếp theo là lễ giao dấu ấn với ý nghĩa từ đây trở đi, người được cấp sắc có thể làm thầy được. Con dấu và 2 mảnh âm dương được gói trong chiếc khăn tay mà người được cấp sắc nhận từ tay thầy cả coi như là bảo bối của gia đình và được cất giữ cẩn thận.

Nếu sau này người được cấp sắc đi làm thầy cúng thì mang theo và đem con dấu này ra dùng. Đây là giây phút thiêng liêng và tự hào nhất đối với người được cấp sắc trong ngày trọng đại này. Kế đến là lễ cấp binh với ý nghĩa từ giây phút này người được cấp sắc, có thêm binh tướng che chở cho cuộc sống hàng ngày. Sau cùng là lễ kết hôn, với ý nghĩa là để Ngọc Hoàng thượng đế và các thần linh chứng nhận cho người vợ của trên trần thế cũng như người vợ dưới cõi âm của người được cấp sắc để họ luôn được ở bên nhau. Ngoài ra, trang phục của lễ cấp sắc cũng khá quan trọng. Nó không chỉ làm cho màu sắc lễ hội thêm phần long trọng và còn thể hiện nét tài hoa trong lao động sáng tạo của đồng bào người Dao Thanh Phán. Lễ cấp sắc được xem la một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng cần được giữ gìn và phát huy.

Hạ Long không chỉ thu hút du khách bởi những cảnh quan đẹp, những bãi biển quyến rũ hay những món hải sản hấp dẫn mà còn là một kho tàng lễ hội truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao...trong đó có Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán. Với nét văn hóa đặc trưng và quý báu đó, Lễ hội cấp sắc của người Dao Thanh Phán thật sự là một khám phá thú vị đối với mỗi khách du lịch đến Hạ Long.

Hữu Tề

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8